đám cưới, ảnh cưới, áo cưới nuôi dạy, chăm sóc con yêu, trẻ trang trí nhà, gia đình, sức khỏe, làm đẹp
Đăng nhập  hoặc  Đăng ký thành viên
JunLee
Đầu bếp: JunLee

Thái độ chinh phục tầm cao

JunLee đã gửi 82 công thức món ăn & 6 bài blog

Rằm tháng bảy. Nói chuyện cỗ chay Hà Nội

Ngày rằm tháng bảy nói chuyện cỗ chay !!!

Ngày rằm tháng bảy âm lịch theo tích nhà Phật là ngày Ngài Bồ tát Mục Kiền Liên cúng dàng các chư tăng để nhờ các chư tăng khắp mười phương hợp lực cứu mẹ Ngài là bà Thanh Đề ra khỏi địa ngục. Để tưởng nhớ công đức Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Nhân dân ghi nhớ nên lấy ngày rằm tháng bảy hàng năm là ngày để tưởng nhớ công đức của cha mẹ (và tổ tiên nói chung) cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Ngày rằm tháng bảy còn được dân gian gọi là ngày xóa tội vong nhân ( Xóa tội cho vong hồn người chết ). Theo kinh Phật sở dĩ có tích này là do ông A nan đà một đệ tử của Phật Tổ gặp thấy quỷ đói miệng lửa báo mộng. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói bảo A nan phải thí cho bọn ngạ quỷ mỗi đứa một hộc thức ăn và cúng dường Tam Bảo thì sẽ được tăng thọ. Theo tích này Lễ xóa tội vong nhân là ngày cúng dàng chư Phật, cúng mã cho các vong hồn đã khuất và cúng cháo bố thí cho chúng sinh khắp mười phương.

Phàm là người dân Việt Nam nào, nếu mến đạo Phật thì vào ngày rằm tháng bảy âm lịch mọi người thường lên chùa để cúng dàng chư Phật và chư Tăng. Sau lễ cúng là lễ phóng sinh các loài vật như : Rùa, chim, lươn, ốc….. Nghe nhà chùa giảng kinh thuyết pháp về công đức mẹ cha. Họ được coi như những vị “Phật sống” của mỗi một con người trên trần thế, những ai còn mẹ thì sẽ được cài lên ngực mình một bông hồng đỏ còn những ai đã mất mẹ thì cài một bông hồng trắng.

Ngày rằm tháng bảy là một ngày lễ lớn mang đậm tính triết lý và nhân văn thể hiện tinh thần đạo hiếu uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Vào mùa lễ Vu Lan, tất thảy các ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội thường lập chay đàn để cúng tế, các sư tiến lễ để cầu đảo cho chúng sinh an lạc, non sông được thái bình, phả độ gia tiên cho các Phật tử mộ đạo mọi nơi. Ngoài thanh bông hoa quả vật phẩm cúng dàng, nhà chùa thường biện cỗ chay để đãi khách. Trước là để dâng Phật sau là để du khách gần xa cùng thưởng thức.

Cỗ chay đệ nhất Hà Thành phải kể đến cỗ chay chùa Phụng Thánh ở ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên do đích thân sư bà Thích Đàm Ánh trổ tài. Sư bà là một con người nổi tiếng là tài hoa, khéo léo nhưng lại rất khiêm nhường. Tôi được biết, chính sư bà Đàm Ánh là người nấu cỗ chay để phục vụ cố thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi khi bà tới thăm Việt Nam.

Mỗi khi có khách đến bản chùa đặt cỗ, chính sư bà là người soạn biện nguyên liệu rồi chỉ đạo mọi người thực hiện. Dưới đôi bàn tay khéo léo, các thức rau củ dần hình thành nên những mâm cỗ chay độc đáo và giống thật một cách kỳ lạ.

Theo luật lệ khá chặt chẽ cho người tu hành trong đạo Phật thì cơm chay hàng ngày vốn rất đạm bạc song cỗ chay thì lại khá phong phú, thậm chí có thể nói là rất cầu kỳ, để nấu một mâm cỗ chay phải tốn công bằng nấu ba mâm cỗ mặn. Thực đơn cỗ chay rất đa dạng, món nào cũng có. Dễ có đến hơn ba trăm món ăn hay được chế biến.

Vào những ngày lễ trọng của nhà Phật, các chùa thường biện cỗ chay để dâng cúng. Các ngày lễ như lễ Thượng Nguyên tức ngày rằm tháng giêng, lễ Phật Ðản giữa tháng tư âm lịch, lễ vào hè, ra hè, lễ Vu Lan báo hiếu rằm tháng bảy, lễ giỗ tổ, lễ cúng tất niên...

Giống như cỗ mặn, một mâm cỗ chay cũng phải đủ các món. Nào là giò, chả, thịt gà, nem, nộm, xào, xôi, chạo, canh bóng hay canh măng…. Ngoài ra còn có thêm cháo trai, bánh đúc, đậu rán….

Nguyên liệu chủ yếu để nấu các món chay là rau củ quả, phù trúc (váng đậu nành) hay mỳ căn (bột mỳ nhào và được vò kỹ dưới vòi nước chảy đến khi dẻo như kẹo cao su), chao (đậu phụ nhự hay còn gọi là đậu phụ thối) và mỳ chính...

Gia vị là các thức nguyên liệu không thể thiếu khi nấu cỗ mặn tuy nhiên đối với cỗ chay, chúng còn cần thiết hơn nhiều. Trừ có tỏi, là một thứ gia vị mà người ăn chay kiêng kỵ, còn ngoài ra các loại như: Riềng, mẻ, hành, gừng, nghệ, tiêu, ớt, kiệu…. đều được phép dùng.

Chính nhờ cách sử dụng rau gia vị tinh tế, khéo léo và có thể nói là khá độc đáo mà cỗ chay đã được nâng tầm thành nghệ thuật. Trong cỗ chay, rau răm là thứ gia vị được dùng nhiều trong một số món ăn. Người ta nói “Rau răm là một thức rau hợp với người tu hành”.

Điều đặc biệt nhất khi chế biến cỗ chay là phải làm cho các món ăn giống cỗ mặn như thật. Để làm giò lụa người ta phải dùng mỳ căn gói vào lá chuối, buộc kín rồi đem hấp. Khi “giò” chín, để "giò" nguội, cắt khoanh sáu miếng bầy đĩa. Đặc biệt nhất phải kể đến món gà quay om mềm, gà được làm giả bằng mấy nõn hoa chuối hột sau đó tẩm ướp rồi nhúng qua bột gạo rán vàng. Đợi cho “gà” nguội rồi chặt miếng bầy ra đĩa, dội xốt nấm hương lên trên…

Cỗ chay tinh tế và cầu kỳ ở chỗ người nấu sử dụng các loại rau củ quả để làm giả các nguyên liệu là động vật như thật. Ví như món chạch chấu kho tương. Chạch chấu được làm giả từ nõn cây khoai nước (khi kho không được dùng đũa đảo “chạch” vì nếu dùng đũa sẽ gây ngứa cho người ăn.) Miến dong được dùng làm giả bì nem chạo, chân nấm hương giả thịt trai, đậu xanh đồ chín giả chả quế...

Một mâm cỗ chay thông thường, các món ăn có thể thay đổi cho tiện việc chuẩn bị nguyên liệu, mùa nào thức đấy nhưng khi biện cỗ thành mâm, không chùa nào thiếu được các món như: Xôi vò, chè đường, bánh đúc tương, đậu rán, cháo trai….Đây có thể xem như các món ăn kinh điển của cỗ chay Việt Nam.

Ngoài chùa Phụng Thánh ở Hà Nội còn có rất nhiều ngôi chùa nấu cỗ chay ngon và nổi tiếng như: Chùa Bà Đá, chùa Quán Sứ, chùa Chân Tiên, chùa Xã Đàn, chùa Vân Hồ…

Hiện nay cỗ chay đang dần trở thành những món ăn yêu thích của người Hà Nội, không chỉ trong khuôn khổ lễ Vu Lan mà còn trong các ngày bình thường khác.

Có người nói, ăn chay đã và đang trở thành trào lưu mới của nhiều người trong xã hội hiện đại. Cũng phải thôi khi mà con người đang phải sống trong một môi trường đầy dẫy bệnh tật và ô nhiễm. Ăn chay được coi là một phương thức duy trì sự sống dài lâu và thanh đạm cho con người. Nó giúp cho người ăn có được “tâm tĩnh tại” và cân bằng sinh thái trong tự nhiên.

Bài viết được cung cấp bởi Chuyên Gia Ẩm Thực Nguyễn Phương Hải

Đăng tải bởi Jun

 

 

Thích ·  Chia sẻ  
Có tổng cộng 3 bình luận
  • thuy205

    thuy205

    19:40 28/08/2012

    Hinh nhu nau mon chay ko dung HANH, ma dung Boro (ngoai Bac goi la toi tay) do a.

  • JunLee

    JunLee

    00:55 11/09/2012

    Ờ, theo đạo Phật thì chỉ kiêng tỏi tôi Thúy ạ

    CÒn hành hẹ thì xài bình thường

  • JunLee

    JunLee

    00:56 11/09/2012

     

    Theo cách tính "ăn chay" của phương Tây, điều tiên quyết là không ăn thịt (thịt đỏ lẫn gia cầm), cá và có 4 loại chính bao gồm:

     

     Ovo vegetarian: được ăn trứng nhưng không dùng các loại sữa, phô mai

     Lacto vegetarian: được dùng các thực phẩm sữa, phô mai nhưng không ăn trứng

     Ovo-lacto vegetarian: được dùng các thực phẩm từ động vật như sữa, trứng, mật ong nhưng tất nhiên vẫn k thịt, cá

     Vegan: hoàn toàn chỉ có rau cỏ, hạt, quả

     

     Nhưng ở các nước như VN, TQ, Sing,... thì ăn chay nghĩa là ăn Vegan, kiêng hết đồ từ động vật.

hoạt động từ cộng đồng

thành viên nổi bật

  • camtu
    camtu

    54756

    Bài viết: 141

  • bibo
    bibo

    2739

    Bài viết: 99

  • cuppy.cake9463
    cuppy.cake9463

    2069

    Bài viết: 20