Chiều nay Sài Gòn lác đát những cơn mưa đầu mùa tháng bảy, tay tôi vẫn nắm hờ gas, mắt cay xòe và chạy chậm hơn khi bất chợt những kỷ niệm vụt trở về trong khoảnh khắc.
Tôi cảm thấy nhớ nhà lắm! Nhớ nhất là những bữa cơm gia đình có đầy đủ những người thân yêu. Nơi mà sáu anh chị em tôi ngày ấy cứ ‘tranh giành’ nhau ăn như những chú heo con háo đói trong khi ba mẹ nhìn chúng tôi lắc đầu, mỉm cười. Chắc có lẽ, tận sâu thẩm trong tâm hồn mỗi người, vẫn là nỗi nhớ dài, lẫn lộn buồn vui về những hình ảnh hạnh phúc nhất hằn sâu trong ký ức.
Bữa cơm gia đình tôi ngày trước rất đơn sơ, đạm bạc, chỉ là tô canh rau mồng tơi hái sau hè cùng vài con cá Trê mà anh chị em tôi thi nhau bắt dưới ao lên chiên giòn nhưng chẳng hiểu sao vẫn thơm ngon đến lạ lùng . Gia đình tôi dù đông anh em nhất xóm nhưng dường như lúc nào cũng vui vẻ và đầy ấp tiếng cười. Không ai bảo ai dù mỗi người đều bận việc đi học và giờ giấc cũng khác nhau nhưng cứ đến gần giờ cơm là chị em tôi thi nhau giúp mẹ. Tôi lúc nào cũng giành phần nấu cơm. Chẳng phải tôi chăm chỉ gì đâu, mà do tôi thèm bát nước cơm đục như sữa bạc vừa chín tới lẫn với mùi đường tán thơm tho, ấm ngọt mà mẹ tôi luôn chắt ra bát để dành riêng cho tôi. Còn hai chị lớn của tôi thì kiêm phần nhặt rau, rửa bát. Anh hai và hai đứa em út bé xíu cũng xúm xít cùng nhau dọn chén và đem thức ăn bày biện lên bàn. Trong thâm tâm tôi, mẹ luôn là một ‘bếp trưởng’ chính hiệu vì ngoài nấu ăn ngon mẹ cũng rất khéo léo trong việc đi chợ. Các món ăn hàng ngày được mẹ thay đổi liên tục theo mùa xen lẫn sở thích của từng thành viên trong gia đình. Lúc thì ưu tiên cho hai đứa em út món cá chiên cùng với món canh rau củ khoái khẩu của ba.
Món cá chiên cùng với món canh rau củ
Thỉnh thoảng vào những ngày đặc biệt như ngày giỗ của ông bà Nội hay những ngày Lễ lớn, bữa ăn của cả nhà mới được ‘cải thiện’ bằng 1 vài món chay sau khi dâng cúng ông bà cộng thêm món Sườn Nướng dành cho trẻ con hay món Cơm Chiên Dương Châu, Lẩu Thập Cẩm dành cho người lớn…Còn những ngày mưa bão dầm dề, hãng Kem nhà tôi rơi vào cảnh ế khách, không làm được việc gì, cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức những chiếc bánh xèo nhân thịt thơm ngon hay những bát mì tôm chua cay, nóng hỏi, xua tan sự ảm đạm và buồn bã của những ngày mưa gió.
Món Sườn Nướng và món Cơm Chiên Dương Châu, Lẩu Thập Cẩm
Bữa cơm cũng là dịp ba mẹ tôi hỏi thăm về tình hình học tập ở trường của từng thành viên trong gia đình. Nếu có điều gì khó khăn, ba tận tình hướng dẫn và có điều chi khuất mắt, ba sẵn sàng chạy đến trường làm việc trực tiếp với ban giám hiệu. Ba tôi là thế! Năm nào cũng xung phòng làm chủ tịch hội phụ huynh học sinh để quan tâm sát sao việc học của chúng tôi dễ dàng hơn. Ba cũng thường đưa ra những giải thưởng nho nhỏ dành cho thành viên nào đạt thành tích tốt nhất sau mỗi học kỳ. Chính vì thế, sáu anh chị em chúng tôi luôn quan tâm, giúp đỡ nhau trong học tập, người lớn kèm người bé. Bên cạnh đó, mẹ cũng thường dạy chúng tôi về phong cách ăn uống, trước tiên là màn mời cơm, con mời ba mời mẹ, em mời anh mời chị ăn cơm…Giống như một cái ‘lệ’, dù đồ ăn nhiều hay ít chúng tôi cũng phải gắp từ tốn,’ăn trông nồi ngồi trông hướng’, những miếng ngon nhường lại cho ba mẹ và để ý nhìn người lớn vừa ăn hết chén cơm người nhỏ giơ 2 tay xin đi bới. Tất cả những điều này, chính là cách sống của ba mẹ tôi đã truyền đạt lại cho chúng tôi hàng ngày bằng tình yêu thương. Và cũng thật tự nhiên, chúng tôi cảm nhận được chuyện chăm sóc lại ba mẹ là một điều vô cùng hợp với lẽ đời, cũng là một niềm hạnh phúc chứ chẳng phải là ‘nghĩa vụ báo hiếu’ khi tất cả chúng tôi bắt đầu thành đạt ở nơi đất khách.
Mọi thứ dường như vẫn tồn tại quanh đây, dù gia đình nhỏ của mỗi người chúng tôi định cư ở một nơi khác nhau nhưng cứ đến hẹn lại lên, chiều thứ bảy hàng tuần vợ chồng con cái mỗi thành viên trong gia đình, không ai bảo ai, cùng đón chuyến xe tốc hành về quê để kịp xum họp bữa cơm chiều cùng ba mẹ.
Bữa cơm đoàn viên chiều thứ bảy.
Và dường như càng nhớ nhung, luyến tiếc càng khiến cho con người ta buồn nhiều hơn. Vẫn biết thế nhưng sao không ngăn lòng được, nhất là từ khi đứa cháu gái 3 tuổi của tôi phát hiện căn bệnh ung thư máu cách đây một năm. Ba mẹ tôi đều dành tất cả thời gian còn lại của mình, khăn gói lên Sài Gòn túc trực bên cháu gái suốt từ đó đến nay.
Cháu Bảo Châu – 3 tuổi – của tôi
Ngày Tết Nguyên Đán năm 2015, ba mẹ tôi cũng không được về xum họp bữa cơm cuối năm cùng gia đình. Vâng lời ba, chị em tôi vẫn thay nhau bày đủ món ăn học được từ mẹ dâng lên cúng ông bà, đất đai, trang hoàng nhà cửa thật tươm tất . Tuy bày biện thế nào, thiếu vắng bóng ba mẹ cảm giác như nhà không có nóc. Lòng quặn lại, ngẹn tận họng, cơm canh có ngon đến mấy cũng thấy lạnh lẽo trong lòng.
Cuộc sống vẫn bộn bề, tấp nập, tôi vẫn đi, vẫn nước mắt hoà lấy nước mưa chợt nhận ra rằng ‘Yêu thương đền đáp yêu thương’ sẽ gắn kết tình cảm anh chị em tôi lại với nhau để mỗi ngày sau này, chúng tôi vẫn cảm nhận ba mẹ vẫn ở bên rất gần. Tôi cũng sẽ dạy con gái mình luôn trân trọng bữa cơm gia đình hiện tại và kể cả sau này, đừng thích ăn những hàng quán gọn nhẹ bên ngoài, đừng mãi mê kiếm tiền mà mất đi những cảm nhận về sự ấm cúm, sẽ chia trong từng bữa cơm gia đình. Bởi sự tan rã của một gia đình thường bắt đầu từ sự tan rã của bữa cơm gia đình truyền thống./.
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.