đám cưới, ảnh cưới, áo cưới nuôi dạy, chăm sóc con yêu, trẻ trang trí nhà, gia đình, sức khỏe, làm đẹp
Đăng nhập  hoặc  Đăng ký thành viên
nhoc.meow
Đầu bếp: nhoc.meow

Zui zui...

nhoc.meow đã gửi 13 công thức món ăn & 3 bài blog

Cái nồi bánh chưng
Cái nồi bánh chưng nhà tôi thật sự là 1 cái ... nồi! Mặc dù quanh năm nó thường được dùng để đựng gạo, nhưng nó vẫn là 1 cái nồi, vì có cả quai và nắp nồi, được đúc bằng gang, chứ không phải là những cái thùng phuy sắt hay những cái nồi nhôm tự chế khác.Tôi rất yêu thích và tự hào về cái nồi bánh chưng là vì tôi đã từng thấy những cái thùng phuy, những cái nồi tự chế, nhưng ít khi bắt gặp cái nồi gang to như thế ở thành phố Hồ Chí Minh. 
Ngày còn bé, tôi đặc biệt thích Tết Nguyên Đán và cảm thấy được không khí tết "đặc quánh" trong nhà mình ngay từ trước tết cả 20 ngày. Vì mới đầu tháng 12 Âm lịch, ông bà nội tôi đã bắt đầu sắm sửa cho Tết. Nào là 1 dây pháo đỏ dài, vài dây pháo đỏ nhỏ xinh, vài cây pháo bông dài ơi là dài quấn giấy màu xanh vàng có in những ngôi sao đủ màu sắc. Rồi đến giày dép cho lũ trẻ con chúng tôi. Nhưng nhiều nhất vẫn là những thức ăn chuẩn bị cho Tết.  Bánh chưng là món đem lại không khí Tết sớm nhất cho gia đình tôi vì gia đình tôi thường nấu bánh chưng vào khoảng 23-25 tháng 12 Âm lịch.
Trước ngày nấu khoảng 2-3 ngày, cái nồi bánh chưng được đem ra, cọ rửa sạch sẽ, phơi nắng ráo. Cái nồi nhà tôi to lắm, trẻ con 5-7 tuồi mà chơi trốn tìm thì trốn vào cũng lọt ấy chứ! Gạo nếp bà tôi đã mua trước từ đầu tháng, phải là loại nếp Bắc thật thơm ngon,  trắng tinh, vọc tay vào rổ nếp còn nhám cám gạo thơm mịn. Vo nếp xong, 2 bàn tay bỗng mịn màng hẳn ra và thơm mùi nếp mới. Đậu xanh hạt căng tròn đều cũng đã được bà nội "tuyển chọn" để làm nhân bánh. Trước kia, người ta chưa có bán loại đậu xanh bỏ vỏ sẵn như bây giờ, chỉ có loại đã cà vỏ, hạt đậu tách làm đôi thôi. Thế nên đậu xanh về phải vo , ngâm đãi mất 2-3 ngày rất công phu để lớp vỏ màu xanh bong ra. Trước ngày gói bánh chưng khoảng 1-2 ngày là nhà tôi phải ngâm nếp, ngâm đãi đậu xanh và ướp thịt heo. Thịt heo làm nhân bánh thường là thịt ba rọi loại ngon, xắt thành khối to, ướp với nước mắm, tiêu, đường và đầu hành đập dập. Trước hôm gói bánh, bố tôi lại chở bà tôi đi lựa mua lá dong và lạt buộc. Lá dong đem về nhà tôi thì được "chăm sóc" tận tình lắm cơ! Nào là rửa sạch vài lần, gọt bớt đường sống gân lá cho mềm, rồi lại rửa và lau khô. Lạt thì được rửa sạch và ngâm nước cho mềm. Thế là tất cả đã sẵn sàng cho việc gói bánh.
Ngày gói bánh, chỉ có lũ trẻ nhỏ chúng tôi là được ngủ no mắt, còn cả nhà phải thức dậy từ sớm để chuẩn bị các thứ. Gạo nếp và đậu xanh để ráo từ buổi khuya, trộn với ít muối tiêu, lá dong được lau khô sạch sẽ bày ra 1 cái mẹt lớn, cùng với 1 bó dây lạt mềm mại, cả 1 thố lớn thịt heo đỏ hồng, thấm gia vị. Đám trẻ nhỏ chúng tôi, dù chẳng ai đánh thức vẫn kéo nhau dậy, chạy lăng xăng khắp nhà để xem gói bánh.
Gia đình tôi không dùng khuôn để gói bánh và chỉ dùng tay. Có người nói gói bằng tay thì bánh sẽ không vuông vức, không chặt bánh. Thế nhưng tôi lại yêu thích những chiếc bánh có góc cạnh hơi bo tròn của gia đình hơn những chiếc bánh quá vuông vức ngày nay. Lá dong được trải ra, 1 chén gạo nếp được đổ vào giữa, nửa chén đậu vàng ươm cho vào, kế tiếp là 1 miếng thịt heo to mỡ màng, sau đó, phủ lên trên là nửa chén đậu xanh và 1 chén nếp. Từng chiếc bánh được bố tôi và bà tôi gói và nén thật chặt tay, xếp thành từng dãy, rồi dần chồng cao lên.
Thời ấy, gia đình tôi gói bánh để ăn và đem biếu người thân, bạn bè, nên luôn gói khoảng 15-20 chiếc, thậm chí có Tết gói đến 30-40 chiếc.
Cả nhà loay hoay gói bánh từ sáng mà mãi đến chiều mới xong. Lúc này, trên sân thượng, bố tôi đã đặt sẵn 1 cái bếp lò nhỏ bằng cách xếp mấy viên gạch thành 3 chân, 1 cái bếp lớn cũng được chắn gió bằng gạch cùng với 1 cái vòng kiềng bằng sắt, rất to, được đặt làm vừa khít đáy cái nồi bánh chưng. Bánh chưng phải được luộc trong nước sôi, vì vậy nồi đã nấu sôi nước sẵn, chỉ đợi thả 1 mẻ bánh vào để luộc. Trên cái bếp nhỏ luôn có 1 cái nồi khác để nấu nước sôi, châm thêm vào trong nồi bánh, vì nếu luộc thiếu nước, bánh sẽ không xanh mà bị xỉn màu, lại chín không đều. Cả 2 bếp đều đun bằng củi nên luôn phải có người canh thêm củi. Thế là cả nhà đem các loại ghế tựa, giường xếp và cả tấm chiếu lên sân thượng, cùng ngồi canh bánh chưng và hóng mát. Chưa đến Tết, nhưng cả nhà quây quần, cười đùa, tâm sự cứ như là đêm 30 Tết vậy!
Thích ·  Chia sẻ  
Có tổng cộng 0 bình luận

hoạt động từ cộng đồng

thành viên nổi bật

  • minhduy
    minhduy

    47408

    Bài viết: 365

  • JunLee
    JunLee

    17367

    Bài viết: 90

  • tamdoan
    tamdoan

    2415

    Bài viết: 101