marry.vn dekor.vn baby.marry.vn

Search form

Đăng nhập  hoặc  Đăng ký thành viên

Bếp gia đình

Nhậu, cà phê và quê hương

changmin05
Đầu bếp: changmin05

Nấu ăn giỏi

Hãy coi mọi chuyện trở nên đơn giản thôi!

changmin05 đã gửi 18 công thức món ăn & 18 bài blog

bạn đã thêm 0 công thức món ăn vào sổ tay

Nếu bạn hỏi điều gì làm tôi nhớ nhất về Việt Nam mỗi khi ra nước ngoài – tất nhiên là trừ gia đình và những người thân – tôi sẽ trả lời đó là… “nhậu”.

Tôi không phải là người nghiện rượu bia, chắc chắn là vậy, và cũng không phải tôi đến quán nhậu vì rượu bia, tôi đến là vì cái không gian bè bạn ngồi nói chuyện trên trời dưới đất ở quán nhậu.

Và vì ở quán nhậu, tôi được ngồi với những người bạn của mình. Tôi có nhiều mối quan hệ trong công việc, và vì công việc, tôi thường đi ăn trưa, ăn tối, tiệc tùng… Ở nơi đó cũng có thức ăn, có bia rượu… Nhưng ở đó không có những người bạn. Vì vậy tôi không gọi đó là đi “nhậu”, tôi phân biệt rõ tiệc tùng xã giao và… nhậu.

Về hình thức thì “nhậu” đối với tôi rất bình dân, tuy thỉnh thoảng cũng có vào  những quán đắt tiền, nhưng phần đông là ngồi lê la ở những địa điểm rất bình dân: khi thì làng nướng, khi thì bờ kè, bia Đức bia Tiệp, hôm nào hứng chí thì chạy xa hơn một chút về Bình Dương, Hốc Môn…

Và “nhậu” thường không sang trọng bằng “tiệc tùng”, ở “tiệc” thì ta thường nói về những vấn đề cao siêu, những chuyện ít nhiều xoay quanh công việc, tiền bạc, hoặc nếu có những vấn đề khác thì chỉ là xã giao. Nhưng khi “nhậu”, đôi khi ta nói… “nhảm”, một chuyện trên trời dưới đất cũng có thể là chủ đề, và ta cười sảng khoái vì điều đó.

Và tuy “tiệc” sang trọng hơn, nhưng “tiệc” có thể đi với bất kỳ ai, còn khi ta rủ ai đó đi “nhậu”, đó chắc chắn là bạn của ta. Tất nhiên sẽ có một số trường hợp ta mời những người ở nhóm tiệc đi “nhậu”, là vì khi đó họ đã là bạn của ta.

Thời gian tôi ở nước ngoài, hình ảnh làm tôi nhớ nhất về bạn bè đó chính là những hôm ngồi đến khuya ở bờ kè, kế bên là con kênh mà dẫu đã cải tạo rất nhiều, tôi cũng không dám gọi đó là thơ mộng, thế mà vẫn vui.

Còn ở nước ngoài, Singapore chẳn hạn, nhắc đến đi nhậu ở bên ấy mà phát chán, đừng mong tìm được một cái gì đó tương tự như bờ kè. Thường thì sau giờ làm, nếu không đến bar, pub thì đến một cái quán ăn nào đó, hoặc không thì đến bàn bida, rồi kêu vài chai bia, lúc nào cũng có một cảm giác sang trọng, xa cách. Cái gần nhất có thể tạo ra với hình ảnh nhậu ở Việt Nam, đó là tự mua vài chai bia, vài cái thức ăn nhanh, rồi cả bọn ra vịnh Marina mà ngồi. Nhưng nói chung là không thể có được cái không khí như ở Việt Nam.

Ngoài nhậu thì có cà phê, không phải cà phê máy lạnh có wifi và những người phục vụ mặc đồng phục trong những quán cà phê hiện nay ở Sài Gòn như Gloria Jean, Highland… Mà là “cà phê cóc” (cà phê lề đường). Dẫu không sang trọng, không tiện nghi… nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn cứ thích cái góc Nguyễn Trung Trực buổi sáng, hoặc là Hàn Thuyên. Sáng sớm ra ấy, xách tờ báo, ngồi uống ly cà phê cùng những người bạn, những người anh, thậm chí là những người không quen, nói chuyện trên trời dưới biển thế mà vui, mà đôi khi ngồi một mình nhìn người ta đi qua đilại cũng có cái vui riêng.

Một nhịp sống bình dị nhẹ nhàng, không phải là cái hối hả của Singapore hay Hồng Kông, không phải là những đội quân rầm rập bước trong trạm xe điện ngầm ở Tokyo. Những buổi sáng nhẹ nhàng như thế ở Sài Gòn mang mọi người đến gần nhau hơn. Đó là nhịp sống Sài Gòn, là nhịp sống quê hương tôi.

Có đi xa mới thấy thương thấy nhớ những hình ảnh quê hương đất nước. Dẫu rằng tôi chỉ xa quê hương không quá lâu, không phải là 10 năm, 20 năm như những người xa xứ khác, thậm chí đôi khi chỉ là đi công tác nửa tháng một tháng, thế mà mỗi khi nhìn trên màn hình thấy máy bay đang tiến về vùng trời của Việt Nam, tim tôi lại đập rộn lên. Rồi khi làm thủ tục nhập cảnh xong, bước ra cửa được những anh taxi chào đón, bằng chính thứ tiếng mẹ đẻ của mình, tôi không thấy khó chịu như thường lệ, và những lần như thế đoạn đường từ phi trường về nhà, ngồi trên taxi tôi thường hạ kính xuống, để được nghe cái ồn ào, cái khói bụi, nghe những câu nói tiếng Việt. Tự nhiên thấy thân thuộc, nhẹ nhàng. Dẫu quê hương không đẹp, không hiện đại bằng nhưng nơi tôi vừa đến, dẫu có nóng bức khói bụi, đó vẫn là nơi thân thương nhất của mỗi chúng ta mà chỉ có đi xa tôi mới cảm nhận hết được.

Tôi có may mắn từ ngày ra đời làm việc được đi khá nhiều nước, và đến giờ tôi rút ra một kết luận cho riêng mình: “Không đâu bằng được sống chính trên quê hương mình, được sống hòa vào những người cùng màu da, chung tiếng nói”. Dẫu cho ở Singapore, ở Phillipines, hay Hongkong người ta cũng tương tự như mình, cũng da vàng, cũng tóc đen. Dẫu ta đã quen từng con đường, góc phố xứ người, dẫu có thật nhiều bạn bè xứ người… Thì đó vẫn là xứ người, và không bao giờ có thể có cảm giác như đó là quê hương.

Tôi nhớ có một lần tôi đi siêu thị ở Singapore, bỗng nhiên tôi nghe “Mẹ ơi, lại đây xem cái này với con”, như một phản xạ tôi giật mình, và lật đật chạy đến, chỉ để nhìn 2 mẹ con ấy.

Có những điều tưởng như rất bình thường xung quanh ta, nhưng khi xa nó rồi ta mới thấy nhớ những điều bình dị mà thân thương ấy. Ngày xưa học phổ thông, tôi nhớ một câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn!

Lúc ấy tôi chỉ đơn giản đọc câu thơ ấy theo cách học thuộc lòng, vì lúc ấy tôi vẫn đang ở, và quê hương khi ấy “chỉ là nơi đất ở”. Nhưng giờ lớn lên, đã từng ra nước ngoài, từng xa quê hương, bỗng tôi thấy thấm thía từng câu từng chữ ấy.

Quê hương dẫu còn nhiều điều chưa hoàn thiện, ra đường vẫn bị cảnh chen lấn, nói thách, nhếch nhác… nhưng nếu đã từng xa quê hương một lần, bạn sẽ thấy đó chỉ là những điều nhỏ nhặt, ta đến một xứ sở văn minh, ta được những tiện nghi, hoa lệ, nhưng ta sẽ mất đi những cái lớn hơn nhiều…

(sưu tầm từ blog.ngochieu.com)

Các bài liên quan