đám cưới, ảnh cưới, áo cưới nuôi dạy, chăm sóc con yêu, trẻ trang trí nhà, gia đình, sức khỏe, làm đẹp
Đăng nhập  hoặc  Đăng ký thành viên
ngoc.bich.py
Đầu bếp: ngoc.bich.py

ngoc.bich.py đã gửi 1 công thức món ăn & 1 bài blog

Thơm nồng cơm rượu

 

Ngoại tôi đã già, vầng trán nhăn nheo và đôi mắt cũng không còn tinh sáng nữa. Nhưng mỗi lần tôi về với ngoại, mỗi lần tôi vòi vĩnh, ngoại lại xắn tay áo, vào bếp để làm cho tôi món mà tôi yêu thích. Ngoại tôi làm cơm rượu!

Cơm rượu ngoại làm với tôi là món cơm rượu ngon nhất trên đời mà tôi từng ăn, không ở đâu sánh bằng. Cơm rượu được làm từ những hạt nếp cái hoa vàng trắng ngà, đem vo sạch, xáo chín với một lượng nước vừa đủ mà “người nhà nghề” như ngoại chỉ cần nhìn là biết thiếu hay đủ. Đến khi cơm nếp chín, một mùi thơm lan tỏa khắp không gian làm nức lòng đứa con nít ngày xưa hay tíu tít bên ngoại, say xưa nhìn ngoại thực hiện từng công đoạn- vốn đã rất quen thuộc.

Ngoại xới nếp ra một cái mâm to, bên dưới có lót lớp nilon, trải đều với độ dày khoảng 2cm. Cơm nếp phải được để cho đến khi thật nguội. Lúc nhỏ, tôi thích nhìn những làn khói bốc lên từ mâm cơm nếp, đưa mùi vào hít một hơi thật sâu để tận hưởng cái mùi thơm nồng nàn từ những hạt tinh túy của đất trời. Đến khi nếp nguội hẳn, ngoại bắt đầu tẩm men. Những gói men nhỏ bao gồm những viên men tròn tròn, thơm thơm được không hiểu vì sao luôn có một sức hút đặc biệt với tôi, nên lần nào tôi cũng giành phụ ngoại giã men.

Một ký nếp thì sẽ dùng đến 18 viên men chia đều cho hai mặt để có được mẻ cơm rượu thơm ngon nhất. Tôi cặm cụi nghiền men, cho đến khi những viên men tròn nát thành bột, mịn tưng. Ngoại tôi dùng một cái rây, bốc một nhúm bột men, rây đều lên bề mặt cơm nếp. Nhìn ngoại tôi rây men, cứ nghĩ là đơn giản lắm nhưng kỳ thực, điều này lại đòi hỏi một sự khéo léo và linh hoạt. Nếu không khéo và không tập trung, men sẽ không được rải đều, chỗ nhiều chỗ ít, sau này cơm rượu sẽ chỗ ngọt chỗ nhạt, chỗ mềm chỗ sượng. Ngoại chăm chú rây men đều mâm cơm nếp, đôi bàn tay linh hoạt như thể không có nơi nào mà ngoại tôi chưa rây men qua.

Hết mặt này, ngoại lật mâm cơm rượu lại bằng cách úp một cái mâm khác lên và úp ngược lại để cho khối cơm nếp nằm lên chiếc mâm đó, sau đó ngoại tiếp tục rây men cho đều mặt còn lại của mâm cơm rượu. Đến khi men đã trải đều hai mặt của mâm cơm nếp, coi như đã hoàn thành một nửa công đoạn. Ngoại tôi lấy nilon tủ mâm cơm rượu lại và đem cất vào một nơi thoáng mát, chờ khoảng hai ngày cho cơm rượu “chín”. Nhà ngoại tôi có riêng một phòng để làm việc này.

 

Một ngày, hai ngày trôi qua trong sự chờ đợi… Lúc nhỏ, tôi thường hay ao ước có một phép màu nào đó làm cho cơm rượu “chín” ngay lập tức sau khi ngoại rây men xong. Cứ tưởng tượng ra cái vị ngọt ngọt, thơm nồng và rất bùi khi đưa một thìa cơm rượu vào miệng để nhấm nháp thì tôi lại chạy đến bên ngoại, đòi ngoại dẫn đi thăm chừng mâm cơm rượu chín. Thăm chừng vài lần thì cũng đến lúc cơm rượu “chín”. Đó là khoảnh khắc mà tôi vui sướng nhất, khi thấy nước đã sóng sánh trong mâm và bốc lên một hương thơm đặc biệt. Hương thơm như một sự mê hoặc.

Ngoại khệ nệ bưng mâm cơm rượu một cách cẩn thận, như bưng một cái gì quý giá lắm với ngoại. Rồi thì bà cháu ngồi chồm hổm, chăm chú vào mâm cơm rượu mà xuýt xoa. Đến công đoan xắt cơm rượu bỏ vào hộp. Ngoài dùng một cái dao nhỏ nhưng bén để xắt cơm rượu. Thực sự, tôi thích nhìn ngoại lúc này nhất. Trông ngoại điêu luyện như một nghệ sĩ đang say sưa thể hiện một nghệ thuật nào đó. Từng nhát dao ngoại xắt xuống nhẹ nhưng dứt khoát, thẳng đều tăm tắp. Rồi ngoại xắt cơm rượu thành từng khối vuông nhỏ, đặt vào trong hộp. Miếng cơm màu trắng ngà, các hạt cơm bện lại với nhau.

Tôi ngồi bên cạnh ngoại thi thoảng được “hưởng xái” một miếng cơm rượu bên rìa mâm hơi méo mó nên không được ngoại “tuyển” cho vào trong hộp. Đó là lúc cơm rượu ngon nhất. Sau bao chờ đợi, cuối cùng cũng được cảm nhận cái ngọt ngào chảy ra từ hạt nếp, cái dẻo thơm, vị bùi mà đôi khi tôi nhắm tịt cả mắt lại để cảm nhận cho trọn vẹn. Ngoại nheo mắt nhìn tôi, mắng yêu: “Cha mày!”.

 

Ngày xưa, lúc còn trẻ, ngoại làm cơm rượu để bán. “Người ta mê cơm rượu ngoại làm, tới đặt nhiều lắm, có khi làm không đủ để bán”, ngoại cười nhăn nheo, nói hoài câu ấy mỗi khi kể cho tôi nghe về chuyện ngày xưa. Bây giờ, ngoại đã già, chỉ làm cơm rượu mỗi dịp tết đến để biếu cho những người bạn thân của ngoại và để con cháu ăn như để ôn lại những kỷ niệm ngày xưa. Và ngoại còn làm cơm rượu khi có “đơn đặt hàng” đặc biệt của tôi, mỗi khi tôi về với ngoại và sà vào lòng ngoại vòi vĩnh. Mỗi lúc nhớ ngoại, tôi lại như hít thấy mùi nồng nồng, thơm thơm của men, lại thèm quá một chén cơm rượu của ngoại. Tôi lại chợt thấy ngoại tôi say sưa rây men bên mâm cơm nếp thơm lừng, gương mặt phúc hậu với nụ cười nhăn nheo…

 

 

Thích ·  Chia sẻ  
Có tổng cộng 3 bình luận

hoạt động từ cộng đồng

thành viên nổi bật

  • thuthuy06
    thuthuy06

    47924

    Bài viết: 286

  • pemyluvsuju
    pemyluvsuju

    8976

    Bài viết: 43

  • JoeKing
    JoeKing

    1944

    Bài viết: 27