Cách đơn giản lưu giữ độ bền của đồ gốm sứ

 
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để lưu vào danh mục yêu thích.
   

Đồ gốm sứ gợi nét trang nhã, sang trọng nên rất được ưa chuộng trong không gian gia đình. Tuy nhiên, chúng cũng rất dễ bị cáu bẩn, xỉn màu, rạn nứt nếu không được bảo quản đúng cách.

Do đó, bạn nên sở hữu tuyệt chiêu chọn mua đúng và kéo dài “tuổi thọ” cho vật dụng này!

Bao quan gom su

Bảo quản đồ gốm sứ đúng cách để duy trì tuổi thọ của vật dụng này

Phân loại đồ gốm sứ

Để mua và bảo quản đúng đồ gốm sứ, trước tiên bạn phải biết sơ về các loại gốm sứ thông dụng hiện nay trên thị trường. Dù đồ gốm sứ đều được làm từ đất sét nhưng cách nung mới quyết định chất lượng và giá trị của sản phẩm. Thông thường, đồ gốm sứ sử dụng tại nhà được chia thành bốn loại:

Đồ đất nung: Đây là dạng gốm sứ truyền thống, đã có từ lâu đời nhưng hiện nay ít được ưa chuộng do một vài hạn chế nhất định như độ bền kém, kiểu dáng thô kệch, không đa dạng. Đồ gốm bằng đất nung được làm từ đất sét thô, sau đó được nung ở nhiệt độ thấp, khoảng 9500 độ C, tạo thành bề mặt nhẵn, mịn, trơn bóng không còn lỗ khí. Những vật dụng bằng đất nung vẫn còn được ưa dùng đến nay chẳng hạn: Nồi đất, bình đựng, chậu cây…

Đồ sành: Là những món đồ làm từ đất sét đã qua tinh chế, ít tạp chất và được nung ở nhiệt độ từ 1.1000 độ C nên có độ bền cao hơn đồ đất nung nói chung. Sản phẩm sành đa dạng hơn đồ đất nung bao gồm ly, chén bát, bình hoa, ấm trà… Đồ sành thường có nhược điểm là dễ bị rạn sau một thời gian sử dụng do đặc tính hút nước của đất sét.

Đồ sứ: Cũng làm từ đất sét đã qua tinh chế nhưng được nung ở nhiệt độ cao khoảng 1.2000 độ C nên đồ sứ có kết cấu hoàn chỉnh nhất trong so với hai loại trên. Sở hữu độ cứng cao, đồ sứ chịu lực mạnh dù khá mỏng. Ngoài ra, sản phẩm thường có nhiều hoa văn trang trí đẹp, đa dạng về màu sắc và kiểu dáng.

Sứ tro xương: Đồ gốm sứ tro xương là dòng gốm sứ cao cấp nhất và cũng đắt tiền nhất hiện nay. Sứ tro xương có nước gốm trong, bóng bẩy nhờ nung hai lần ở nhiệt độ cao, có thể lên tới hơn 1.2500C. Đây là loại gốm sứ bền chắc, cũng như sở hữu tạo hình đẹp đa dạng nhất trong các loại. Sản phẩm từ sứ tro xương sử dụng được trong cả máy rửa bát hay lò vi sóng.

Chọn mua phải chuẩn!

Bao quan do gom su

Chọn lựa kỹ càng từng sản phẩm đồ gốm sứ

Yêu cầu chăm sóc, giữ gìn đồ gốm sứ khác nhau giữa các loại nên bạn cần phải cân nhắc kỹ vấn đề này trước khi chọn mua vật phẩm đắt tiền. Nếu mua chỉ nhằm mục đích dùng cho ăn uống hàng ngày, bạn nên tìm hiểu liệu chén đĩa của loại gốm sứ đó có sử dụng được trong lò vi sóng hay lò nướng không? Chúng nên được chùi rửa bằng tay hay có thể rửa bằng máy rửa bát? Nếu không có chỗ lưu trữ chuyên dụng, bạn nên chọn những dòng có độ bền cao để tránh nguy cơ rơi vỡ.

Kiểu dáng, hoa văn trang trí trang nhã, đơn giản hay cầu kỳ của đồ gốm sứ phải phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng, cho bữa ăn hằng ngày hay đãi tiệc. Nếu bàn bếp là mặt đá, nên chọn dòng đồ sứ bền, tránh khi tiếp xúc sẽ gây trầy xước. Nên chọn sản phẩm trong các bộ sưu tập mới ra để dễ thay thế nếu chẳng may rơi vỡ.

Để đúng nơi lưu trữ

Với chén bát sử dụng thường xuyên, bạn nên đặt bên trong ngăn kéo, kệ tủ bếp ngay tầm tay với để thuận tiện khi sử dụng. Tốt nhất bạn nên có ngăn kéo phân chia riêng biệt chén bát theo kích cỡ để dễ dàng lấy và tránh va chạm, gây sứt mẻ khi đặt trong tủ.

Thông thường, món đồ gốm sứ đẹp với mục đích trang trí thường được định vị ở nơi dễ thấy nhất trong nhà. Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc các yếu tố tác động bên ngoài như nhà có trẻ nhỏ, thú nuôi… để hạn chế tối đa nguy cơ gây bể vỡ.

Những món đồ sứ quý nên được trưng bày trong tủ gỗ có kính. Một vài tủ trưng bày chuyên dụng sẽ có các chi tiết gỗ nhỏ bên trong để hạn chế trơn tuột. Tránh tuyệt đối những nơi có ánh sáng mặt trời chiếu vào trực tiếp vì dễ làm phai màu của hoa văn trang trí. Hạn chế di chuyển, cầm nắm đồ gốm sứ vì các chi tiết như tay cầm, quai, chi tiết viền trang trí thường có mối nối không chắc chắn, dễ gãy. Bạn nên sử dụng cả hai tay, nâng nhấc từ từ vật dụng hay cẩn thận hơn, đeo găng tay khi cần đụng chạm vào đồ để tránh trầy xước bề mặt men.

“Nghệ thuật” lau chùi

Do gom su

Lau chùi đồ gốm sứ đúng cách

Phủi sạch bụi bằng khăn khô, cọ hoặc bình nén khí. Với những đồ gốm sứ nhỏ nhiều chi tiết, bạn nên dùng cọ mềm đầu nhỏ để phủi bụi. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua bình khí nén để thổi những vết bụi bám lâu ngày ở những khe nhỏ. Với những bình gốm sứ lớn, bạn nên sử dụng khăn khô làm bằng sợi microfibre. Việc dùng vải, cọ mềm phủi bụi sẽ giúp bề mặt đồ gốm sứ không bị trầy xước do ma sát mạnh.

Để chùi rửa đồ gốm sứ, bước đầu tiên, bạn pha hỗn hợp nước ấm cùng chất tẩy rửa nhẹ. Nếu trên đồ vật chỉ xuất hiện những vết dơ nhỏ, dùng miếng vải mềm chấm một ít dung dịch trên và nhẹ nhàng lau rửa. Nếu cần chùi rửa kỹ càng, đặt đồ vật vào chậu nhựa có pha dung dịch nước ấm và xà phòng. Không nên chùi rửa ngay trong bồn rửa chén bằng kim loại bởi nguy cơ va chạm gây trầy xước sẽ rất cao.

Cuối cùng, bạn rửa lại bằng nước ấm cho hết dung dịch xà phòng; sau đó dùng khăn giấy thấm khô bề mặt và cất lại vào tủ trưng bày.

Trị vết bám lâu ngày

Đồ gốm sứ, đặc biệt là các bình trà rất dễ bị ố vàng sau một thời gian sử dụng. Để tạm biệt các vết bẩn cứng đầu này, bạn có thể thử làm theo các bước sau:

1. Thấm miếng xốp rửa bát và rắc một ít bột baking soda hoặc kem đánh răng lên trên rồi tiến hành chà nhẹ bề mặt có vết bẩn.

2. Nếu cách trên vẫn không “thổi bay” vết bẩn, thử pha dung dịch muối và giấm, ngâm đồ gốm sứ trong hỗn hợp này khoảng 1 tiếng sau đó rửa sạch lại bằng nước ấm. Bạn có thể thử ngâm lâu hơn nếu vết bẩn vẫn chưa thực sự mờ hẳn. Làm khô bằng cách dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng.

Thảo Nguyên

   
Love 0