Bánh gạo Songpyeon – Món ăn truyền thống của người Hàn

 
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để lưu vào danh mục yêu thích.
   

Nếu như người Việt chuộng món bánh Trung Thu trong dịp rằm tháng Tám thì ở xứ sở Kim Chi, món bánh gạo Songpyeon sặc sỡ mang nhiều hy vọng cho một mùa thu hoạch vun đầy.

Tết Trung Thu ở xứ sở Kim Chi có tên gọi chính xác là lễ Chuseok, rơi vào ngày 15 tháng 8 âm lịch trùng với thời điểm ăn Tết Trung Thu của một số nước châu Á trong đó có Việt Nam. Trong ngày lễ này, các thành viên trong gia đình thường tụ họp lại và ăn mừng một năm thu hoạch khấm khá, tạ ơn tổ tiên và cầu chúc nhiều sự an lành cho vụ mùa kế tiếp. Trong hàng loạt các món ăn truyền thống của lễ Chuseok, bánh gạo Songpyeon là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm dâng các đấng bề trên.

Mon an Han quoc

Khay bánh gạo Songpyeon đẹp mắt

Chiếc bánh gạo có hình dáng nhỏ nhắn như nửa vầng trăng, người Hàn Quốc tin rằng “trăng khuyết rồi lại tròn”, đây là biểu tượng của sự may mắn, sinh sôi nảy nở nên món bánh này mới có hình bán nguyệt đặc trưng như thế. Cái tên Songpyeon xuất phát từ việc sử dụng lá thông trong quá trình hấp bánh vì trong tiếng Hàn, chữ “Song” của Songpyeon có nghĩa là cây thông.

Bánh rất đa dạng vì được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Chẳng hạn như Oryeo Songpyeon được làm bằng gạo mới, Nobi Songpyeon làm bằng lá gai, và nhiều loại bánh gạo Songpyeon khác được làm từ khoai tây, bí ngô, hoa hồng… để tạo nên đĩa bánh sặc sỡ bắt mắt. Trong lễ Chuseok, các gia đình thường ưu tiên chuẩn bị món Oryeo Songpyeon làm từ bột gạo xay từ những hạt lúa mới tinh tươm vừa thu hoạch được với ý nghĩa mùa màng bội thu và mang lại nhiều hy vọng cho vụ mùa mới.

Banh gao

Những chiếc bánh gạo như được gửi gắm hy vọng mùa màng bội thu

Bánh gạo Songpyeon tuy có vẻ ngoài đơn giản, tinh tế là thế nhưng công đoạn chế biến lại đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ của người thực hiện. Gạo nếp làm vỏ bánh phải được ngâm qua đêm và để ráo nước trước khi nghiền thành bột mịn. Bột gạo được trộn với một ít muối, nước tạo màu tự nhiên làm từ dâu, ngải cứu hoặc các loại thực phẩm khác, sau đó, bột được nhào với nước ấm đến khi thật dẻo mịn.

Banh gao

Những bàn tay khéo léo nặn hình từng viên bánh

Về phần nhân, các loại đậu được hấp chín rồi giã nhuyễn, trộn với bột quế, muối, mè và mật ong để tạo nên vị ngọt thơm đặc trưng. Sau đó, nhồi nhân vào vỏ bánh đã được cắt và tán mỏng, nặn thành hình bán nguyệt đẹp mắt. Cuối cùng là hấp bánh trong một chiếc nồi đất nung đã lót đầy lá thông, hấp đến khi lớp vỏ bánh trở màu trong hơn là bánh đã chín, khi lấy bánh ra, thoa thêm một lớp dầu mè để tạo độ bóng bẩy cho vỏ bánh là hoàn tất.

Banh gao

Từng viên bánh gạo với đủ màu sắc

Món bánh gạo Songpyeon ngập tràn hương thơm từ lá thông và mùi gạo nếp mới, vừa cắn vào lớp vỏ dai dai là gặp ngay nhân đậu ngọt thơm đậm đà hương vị mật ong khiến ai ai cũng khó quên. Không chỉ mang tinh thần cầu nguyện cho một vụ mùa đủ đầy, gia đình ấm no, người Hàn còn quan niệm rằng cô gái nào làm ra những chiếc bánh gạo ngon đẹp này sẽ sớm tìm được “nửa kia” tuyệt vời còn với những phụ nữ đã có gia đình thì sẽ sinh được bé gái rất xinh xắn.

Như Huyền

Đăng lúc:
83 món ăn Điểm tích lũy: 236
   
Love 0
    Mẹo vặt nhà bếp hay, độc & lạ! (QC)
    Chia sẻ những mẹo vặt làm sạch, bí quyết nấu ăn, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp hay những mẹo hay để bạn chăm sóc gia đình nhỏ của mình.