Chả đẫy, miếng thơm gói cả tấm lòng

 
   

Buổi học “Món ăn đãi tiệc” tuần thứ 2, tôi được học làm món “Chả đẩy”. Cầm tập giáo trình trên tay, lật qua lật lại, nhìn đi nhìn lại vẫn thấy băn khoăn với cái tên “Chả đẩy” của món ăn.

 

 

Chả thì biết rồi, còn đẩy là gì nhỉ?

Từ điển chính tả phổ thông của GS Nguyễn Lân cho biết “đẩy” là đưa đẩy, là xô đẩy, là thúc đẩy. Nghĩ, không lẽ món ăn này quý hiếm, hay ít ỏi đến nỗi khi lên bàn tiệc người ta cứ nhường nhau, đưa qua đẩy lại mãi nên thành tên chăng? Nhìn thành phần cũng chỉ thấy nguyên liệu  thông thường, là trứng, thịt xay, mộc nhĩ, tôm tươi, gia vị; có cao lương gì đâu mà phải … đùn qua đẩy lại!? Thấy ngộ, nên mang thắc mắc ra hỏi giáo viên hướng dẫn món ăn, cô cũng ngẩn người ra rồi cười xoà, bảo hồi nào giờ cô thấy gọi món đó là chà đẩy thì gọi, cũng chưa tìm hiểu. Vốn tính hay thắc mắc nên sau buổi học, dù đã được tận tay nêm nếm, tận mắt ngắm nhìn từng chiếc chả trông như túi quà Noel xinh xinh vàng ươm, bọc lấy viên thịt thơm tho quyến rũ nằm trên đĩa sứ nhưng thắc mắc kia vẫn có chút gì chưa thoả, bởi tôi biết văn hoá ẩm thực của người Việt mình vốn rất ý nhị, tinh tế nên mỗi món ăn dù cao sang hay bình dân đều luôn chứa trong nó nhiều ẩn ngữ rất thú vị. Chẳng nhẽ món ăn tinh tế, cầu kỳ là thế lại có cái tên nghe sao mà chối bỏ, phụ phàng quá…?!

Về nhà, cả buổi tối lên mạng tìm món chả đẩy không ra, chỉ thấy lên toàn mấy trang ba lăng nhăng dạy người ta cách chống trước đẩy sau mà nản, đành tắt máy. Nhưng lên giường rồi tôi cứ vẩn vơ nghĩ về câu “hữu duyên thiên lý”. Có lẽ cái vô tình gặp có khi lại hơn cái hữu ý tìm… Mình có ý, nhưng chưa tìm được cái cần tìm thì thôi vậy, để ý ghi nhớ cái tên, biết đâu sau này có dịp tìm hiểu lại “ngộ” ra điều gì.

Sáng nay, đang làm việc thì nghe giọng con trai hét vang “Mẹ ơi, con gì ghê lắm” … hoảng hốt chạy đến, thấy cu cậu chỉ tay lia lịa lên máy tính. Trời ơi, con rươi. Một thau rươi đỏ đen nhung nhúc tràn cả màn hình làm thằng bé khiếp vía. Hoá ra vì cả tuần nay tôi tìm từ “chả” nhiều quá nên cái máy tính thông minh quá đáng lưu luôn từ “chả” vào bộ nhớ, đúng lúc thằng bé vào chơi trò Nhà hàng thì nó hiện lên, trong đó có cả chả rươi mới ra cơ sự. Bảo thằng bé ra ngoài đọc sách xong, tính tắt máy thì chợt thấy bên cạnh món chả rươi có cái tít“CHẢ ĐẪY LÀNG VẼ”, tôi click vào ngay, và thích thú nhận ra cái hình minh hoạ cho bài viết chính là món “chả đẩy của mình”

 

 

Thì ra, tên gọi đúng của món ăn phải là chả đẫy, bởi hình dáng của nó trông như chiếc túi con mà người xưa gọi là cái đẫy. Tìm hiểu thêm mới biết “Chả đẫy” là món ăn truyền thống của làng Vẽ, hay Kẻ Vẽ, tên chữ là làng Đông Ngạc, một làng cổ nằm sát chân cầu Thăng Long, Hà Nội. “Làng Vẽ được coi là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội. Không chỉ nổi danh về học thức, ngôi làng này còn nổi danh bởi những món ăn ngon và độc đáo. Nhắc đến làng Vẽ, người ta thường nhắc đến món nem chua đầu tiên. Bởi lẽ nem chua làng Vẽ được xếp vào hàng cao lương mĩ vị và không bao giờ thiếu trong mâm cỗ của vua ban lộc nước cho các bậc hiền tài trạng nguyên, tiến sĩ đỗ đạt thời xưa. Bên cạnh nem chua, làng vẽ còn có các món như giò Chèm, bánh phồng, chả đẫy…, mỗi món ăn mang một hương vị riêng làm nên nét đặc sắc của ẩm thực làng Vẽ” (Trích Chả đẫy làng Vẽ)

Cũng vì làng Vẽ có truyền thống hiếu học và đỗ khoa bảng, nên món Chả đẫy chính là hình ảnh đại diện cho cái đẫy mà các mẹ, các chị luôn gói ghém hành lý, tập sách bút nghiêng, gói cả bao ước mơ thầm kín hay cả ân tình cho chồng, cho con lên đường ứng thí. Cũng vì lẽ đó chả đẫy chỉ dùng nguyên liệu thuần tuý quê nhà chứ không thêm bào ngư, vi cá hay chịu bất kỳ sự lai căng, pha tạp nào. Đơn giản có thịt nạc bằm nhuyễn, tôm nõn tươi ngon bóc vỏ quết dẻo, hành trắng – cà rốt – nấm hương (hoặc mộc nhĩ) cắt hạt lựu. Trộn đều thịt – tôm – rau củ, thêm chút tiêu, muối, hành lá, nước mắm ngon rồi khéo léo vắt thành từng viên nhân bé bé sao cho mỗi chiếc chả đẫy chỉ vừa tròn một miếng.

 

 

Sau khi mang nhân đi chưng cách thuỷ cho vừa chín, các chị các mẹ sẽ nhẹ tay gói mỗi viên nhân vào một lớp áo vàng ruộm làm bằng trứng vịt tráng thật mỏng, rồi xếp từng nếp áo lại thật xinh, bên dưới nắn tròn đều, bên trên kéo xoè ra như những cánh hoa, giữa dùng một cọng miến dong hay cọng hành lá chần sơ rồi thắt lại như chiếc đai giữ mép áo vàng … Khi thưởng thức, người ăn không xắn ra mà gắp nguyên cái chả chấm vào mắm pha chua ngọt, kèm thêm hạt tiêu, lát ớt cay nồng để trọn vẹn sự ngọt ngào của thịt, sự thơm thảo của nấm, sự kết dính của tôm, sự bùi ngùi của trứng hoà quyện hết với mặn – ngọt – chua – cay trong miệng mà nhớ sau này…!

Hôm học làm chả đẫy, vì không biết ý nghĩa thật sự của miếng ăn thơm thảo nên tôi làm nhân hơi to, đổ trứng hơi dày, lại xếp nếp áo vàng chưa khéo. Nhưng tôi tin, nếu mình thực sự có lòng cho mỗi điều mình tự tay vun vén, thì dù còn nhiều thô vụng, chắc người ở xa cũng thấu cái tình…

Dư vị yêu thương

_________

Hình minh hoạ: Theo nguồn bài viết “Chả đẫy làng Vẽ”

 

Đăng lúc: 18:03, 25/03/2015
16 món ăn Điểm tích lũy: 54
   
Love 0