Bạn đang xem phiên bản thử nghiệm của Yêu Bếp Gia Đình, những nội dung bạn cập nhật đều sẽ được sử dụng <  QUAY LẠI PHIÊN BẢN HIỆN TẠI

Măng đắng chợ quê

 
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để lưu vào danh mục yêu thích.
   

Vào độ cuối tháng hai sang đầu tháng ba là dịp những phiên chợ nghèo quê tôi bán nhiều măng đắng nhất trong năm. Từ ngày xưa đã nghe bà hay mẹ đọc câu ca “Muốn ăn măng đắng thì về tháng ba”. Vị đắng khó ưa ấy, khi biết cách chế biến lại tạo ra thật nhiều món ngon cho những bữa cơm gia đình.

Măng là một trong những nguyên liệu ẩm thực quen thuộc nhất với người Việt, từ lũy tre đầu làng cho đến những bụi nứa, bụi trúc ven đê, dễ dàng  tìm được những búp măng non nhọn hoắt mới nhú lên khỏi mặt đất chừng 10 đến 15 cm vào những ngày mưa. Mỗi loại măng có một cách chế biến khác nhau, khi thưởng thức cũng tạo nên những hương vị thật khác biệt. Thế nhưng, măng đắng vẫn là một món ăn được ít người biết tới và thưởng thức, một phần vì măng đắng chỉ có theo mùa, một phần cũng vì vị đắng lạ miệng khó chiều lòng khách ẩm thực.

Măng đắng cũng như mướp đắng (khổ qua) có người thích ăn thì thấy ngon, ăn xong thấy ngòn ngọt nơi đầu lưỡi, ăn nhiều cũng đâm ra nghiện, người không ưa thì không ăn nổi, cảm giác đắng như trẻ con mỗi lần uống thuốc. Mảnh đất miền trung du quê tôi không trồng được măng đắng, măng được các mẹ đi lấy từ trên rừng về ngâm vài ngày cho trắng và mềm rồi mới mang ra chợ bán. Mẹ tôi hay đau yếu, ít khi có thể lên rừng lấy măng nên phần nhiều những bữa cơm có món măng đắng đều là măng mẹ mua ngoài chợ.

Măng đắng chế biến được nhiều món, luộc có, xào có và hầm cũng có. Khi nhà có khách thì nấu măng hầm xương, măng cuốn thịt vịt, khi lỡ bữa hết tiền cũng có món măng xào tỏi tỏa mùi thơm lựng khắp hai gian bếp. Cha thường chỉ thích ăn món măng đắng luộc. Măng rửa sạch rồi thái lát mỏng, đổ sâm sấp nước, không luộc quá lâu, sẽ mất đi độ giòn và vị đắng ban đầu. Luộc xong cho vài hạt muối trắng bóp sơ qua cho ra bớt nước đắng và chát. Bóp măng xong chắt hết nước rồi mới cho bột ngọt, lá chanh thái chỉ vào trộn đều. Cha bảo cái vị đắng của măng mà chấm với mắm tôm hay mắm tép thì vị đắng càng thêm đậm, càng thêm ngon. Cắn miếng măng giòn rụm thảng mùi lá chanh thơm nhẹ chấm với mắm tôm, cha tấm tắc khen ngon.

Ngoài ra, măng đắng xào tỏi, măng đắng nộm cũng là những món rất hấp dẫn. Măng đắng xào tỏi phải luộc trước khi xào, nộm măng đắng cũng tương tự, để măng mềm và bớt đi vị đắng. Măng đắng xào tỏi ăn với cơm rất bắt, riêng nộm măng đắng không chỉ ngon mà còn là món ăn rất tốt cho tiêu hóa.

Nguyễn Bỉnh Khiêm từng có câu thơ rất hay về món ăn theo mùa: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá”. Ở quê tôi đặc biệt măng đắng lại được bày bán nhiều nhất vào mùa xuân, còn những mùa sau đó có muốn ăn măng thì phải lên những mạn vùng núi cao phía bắc mới tìm mua được.

Măng đắng lạ miệng, khó ăn với những ai thưởng thức lần đầu, còn với những người ăn quen, một thời gian dài không được nếm là lại nhớ đến cái vị đắng thân thương ấy. Về lại chợ quê vào những ngày cuối xuân, thật may vẫn chưa là muộn để tìm lại hương vị một món ăn thật đặc biệt có trong những ngày này.

Đăng lúc: 14:00, 25/03/2015
0 món ăn Điểm tích lũy: 11
   
Love 0