Đũa – Dĩa, hay cuộc chiến bên bàn ăn?

 
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để lưu vào danh mục yêu thích.
   

Mỗi lần bàn về vấn đề ăn uống là chỉ có cười ra nước mắt. Mình đặt tiêu đề cho bài là „Cuộc chiến bên bàn ăn“ thì hơi quá nhưng cũng không hề điêu ngoa một chút nào.

Đũa – tượng trưng cho những món ăn Việt Nam của mình, tâm hồn dân tộc cũng như tâm hồn ăn uống của mình. Dĩa – tượng trưng cho ông xã của mình, một Tây mũi lõ chính hiệu, một Tây mà từ bé mẹ đã cho gặm xúc xích như ăn kẹo. Hồi mới yêu nhau thì thôi đã đành, yêu nhau yêu cả đường đi lối về. Chàng đến nhà mình chơi, có gì ăn nấy, vả lại cũng không biết bên trong có những gì nên cũng cứ nuốt cho qua chuyện. Nhưng sau khi về ở với nhau thì y như các cụ nói, học ăn học nói, học gói học mở. Hồi lấy chồng mình còn con nít, chưa biết gì, ông chồng mình thì cả đời chưa đụng đến một cái muôi, thế nên quen gì ta nấu cái đó.

Món đầu tiên, thịt kho Tàu. Mùa đông, cửa kính bên Tây đóng kín mít, chồng đi làm về, vừa bước vào cửa đã la toáng lên. Oh, God, em đun cái gì thế, cá chết à? Mình lầm bầm: Cá đâu mà cá, chết đâu mà chết. em chỉ đun mỗi…nước mắm thôi. Thế là chồng mở toang hết cửa sổ, cửa chính cho mùi mắm bốc hơi ra ngoài, còn mình chạy tọt vào phòng ngủ chùm chăn vì vừa lạnh, vừa khóc vì tủi thân.

Tết năm đầu tiên, mình làm đầy một bàn la liệt, nào chả nem, nộm su hào, thịt gà, thịt bò, canh nấm thả…rồi mời mẹ chồng, chị chồng, bạn chị chồng đến ăn. Mình hì hục dậy khuya thức sớm để ngâm gạo, ngâm nấm thì chồng cứ đi ra đi vào cằn nhằn: „Em làm gì mà lắm thế. Ai mà ăn hết cho được, có khi phải mời cả hàng xóm“. Mình ngỡ ngàng: „Em chỉ muốn làm cho mọi người vui thôi mà“. Chồng buông ngay một câu: Chỉ cần một món là họ vui rồi. Ôi trời, bao nhiêu công lao mình đổ ra mà bị coi thường như thế làm sao không tức. Dỗi. Đi vào phòng nằm ngủ một mình trước, chẳng thèm cả chúc ngủ ngon với cả hôn hít gì cả.

Hôm sau, mẹ chồng đến, mình làm món bánh trôi nước. Bà cắn được một miếng, nó dính chặt vào răng, nuốt xuống không nuốt được, nhè ra không nhè được, bà nghẹn ngào không nói lên lời, trào cả nước mắt. Con dâu cứ tưởng mẹ chồng cảm động, càng mời „Mẹ ăn nữa đi, con lấy nữa nhé“. Bà ngắc ngứ một lúc rồi chạy vô Toillet nhè ra. Khổ thân bà. Bà nhìn chồng mình đầy thán phục: Làm sao mày ăn giỏi thế con? Chồng bảo: May mà nó tự trôi xuống đấy chứ.

Cứ nhiều lần như thế, làm mình đâm ra ngại nấu món Việt nhưng mình thì không thích ăn món Tây. Mỗi lần nấu món Đức thì chồng no ễnh ra còn vợ ngồi chấm mút một tí rồi đứng dậy vẫn đói meo. Mình nghĩ chán, chồng no thì vợ cũng phải no. Chả tội gì cứ phải ăn theo chồng. Lúc đầu nghĩ một mình làm một mình ăn thì ngại, bày vẽ lách cách. Nhưng vì nỗi thèm thuồng đã chiến thắng tất cả. Không ai ăn thì một mình làm mình ăn, mình tự thưởng thức. Lắm hôm, mình làm chân giò nướng cho chồng, còn mình ăn cơm với rau muống luộc, cà pháo chấm mắm tôm. Chồng với vợ, dĩa một bên và đũa một bên, bên nào cũng mãn nguyện cả, ai cũng được ăn no, không ai phải hậm hực đứng dậy khi bụng còn đói. Hai đứa trẻ con thích ăn gì thì ăn, chấm mút của bố mẹ mỗi người một chút là đủ no.

Theo thói quen, nhà mình thường ăn bánh mì vào các buổi sáng thứ bảy và chủ nhật. Đôi khi mình không thể nuốt nổi món bánh mì khô khốc. Mình bê ngay một bát phở gà bốc khói nghi ngút ra trước mặt xã và ung dung ngồi ăn. Xã nhìn thèm chảy nước miếng bèn gạt xúc xích với bánh mì sang một bên, nhẹ nhàng thủ thỉ: Em còn không, cho anh ăn với? Nhìn cái mặt vừa buồn cười vừa tội nghiệp mình lại nhường cho bát của mình, rồi đi làm bát khác. Thế là mình đã thắng rồi nhé. Cứ dần dần như thế, cả nhà đi vào thói quen, sáng thứ bảy bánh mì, sáng chủ nhật phở. Được cả đôi đường, vừa dĩa vừa đũa.

Mỗi lần mình nấu ăn mà xã tò tò đằng sau là bị đuổi ra khỏi bếp ngay, mình toàn bảo: Anh đi lên trên nhà đi, đừng xem em nấu, anh mà xem em nấu thì anh sẽ không ăn nữa đâu. Thế là xã ngoan ngoãn làm theo và sau đó lại ngồi hì hục ăn những món vợ nấu. Thậm chí những món rất kinh mà vẫn phải ăn.

Tết, mình gói bánh chưng. Mình nhờ xã làm cho cái khuôn. Xã không thích ăn đồ nếp nên sau khi nấu xong, mình khều khều: Anh ơi, ăn thử một miếng đi, có cả công anh trong đó mà. Xã cắn thử một miếng, hai miếng rồi cả một phần tư cái luôn. Rồi xã tuyên truyền cả cho mẹ chồng, nào là ngon lắm, nấu cả tám tiếng đó bà. Mẹ chồng thương công con dâu nên cũng liều một phát (bà vẫn còn nhớ vụ bánh trôi nước) thế mà cũng ăn hết một phần tám cái, chị chồng, bạn của chị chồng cũng ăn theo. Thêm một thành công nữa, năm sau lại có hứng để gói bánh chưng.

Để đáp lại, món gì mẹ chồng nấu mình cũng ăn hết và khen ngon, cho dù đôi khi bà cho nhiều muối nên hơi mặn. Nhưng điều quan trọng nằm ở tấm lòng và tình yêu của bà dành cho mình. Hồi mới đầu, mẹ chồng mình nhất quyết không chịu ăn con tôm. Bà bảo trông nó như con sâu, ghê lắm. Mỗi lần nấu lẩu, mình cứ đặt cả cân tôm bóc nõn trên bàn, lúc chín, tôm đỏ au, nhìn ngon cực. Mọi người cứ rủ bà ăn thử, bà ăn một con, hai con, ba con, giờ thì bà toàn mua cả cân về để tủ đá ăn dần một mình. Và lần nào mời bà đến ăn lẩu bà cũng rất hào hứng.

Người ta nói, mưa dầm lâu cũng lụt, yêu nhau thì yêu đủ đường, với lại người Đức cũng có câu tình yêu đi qua đường dạ dày nên vì thế ta cứ đường đó mà ta đi, thế nào cũng chiến thắng.

Cũng có thể do mình gặp may. Mình quen một chị, chị có bạn trai người Đức, chị hì hục ninh nấu nấu bê cho anh một bát phở. Anh bất ngờ quỳ xuống chân chị rồi thiểu não nói: Anh xin lỗi em, anh không thể ăn được thứ này. Chị ngỡ ngàng và đầy thất vọng. Giờ đây chị đang hạnh phúc bên một người đàn ông khác, người ấy luôn khen phở chị nấu ngon. Niềm hạnh phúc ấy thật đáng trân trọng. Lần trước, có một cô người Việt sang đây đã lâu, cô qua hai lần đò, lần đầu là ông người Việt, lần thứ hai là một ông người Đức, hiện nay là một ông người Bồ. Cô tâm sự, làm sao tao có thể sống được với người mà khi ăn cứ chồng dĩa vợ đũa. Mình hiểu hoàn cảnh chồng dĩa vợ đũa lắm chứ, nhưng bây giờ thay vì khóc, tủi thân, nhịn ăn thì mình nấu một mình mình đánh chén.

Mình cũng đang ở trường hợp chồng dĩa vợ đũa nhưng sau gần tám năm mình thấy nó vẫn ổn, vì cuộc chiến này hai bên đều có lợi, cả bên dĩa và cả bên đũa. Hy vọng những năm sau đũa và dĩa tiếp tục sánh bước bên bàn ăn dĩa nhé. Đũa yêu Dĩa nhiều lắm.

Công của đũa ngày Tết đấy.  Cả nhà dĩa ăn hết nhẵn nhụi. Ăn xong còn mang về nữa

Phan Hà Anh

 

Đăng lúc:
49 món ăn Điểm tích lũy: 91
   
Love 1
Trang:
  • 1
  • 2