Tôi thấy hãnh diện về cái món “mắm me” mà mẹ tôi đã dạy, ngon hơn bất kỳ loại mắm nào mua ở chợ bởi chén “mắm me” còn chứa đầy tình yêu thương và sự khổ công của mẹ tôi nơi quê nhà.
Ở quê nhà của mẹ tôi có cây me cứ độ trái già là mẹ sai lũ trẻ hái xuống, sau đó mẹ đem phơi 2 – 3 ngày trong trời nắng to. Khi thịt me ráo, đem vào lột vỏ và cạy bỏ hột me một cách công phu và tỉ mỉ. Một ký me hột cạy xong chỉ còn vài lạng. Thịt trái me cạy xong được bóp chặt thành một cục rồi gói kín trong mấy lần ni lông vì như thế sẽ giữ được lâu và gửi xuống thành phố Phan Thiết cho “gia đình nhỏ” của tôi. Vậy là ở nhà tôi không bao giờ có chén nước mắm ớt, tỏi giã giập giập “theo kiểu Sài Gòn” mà là chén mắm me theo cách giã của mẹ.
Cách làm đơn giản lắm: Chuẩn bị me vừa chín, cho me vào nước sôi, quấy đều, bỏ hạt và xơ. Sau đó cho tỏi, ớt, gừng băm nhuyễn vào nước me. Thêm đường và nước mắm vào. Trộn tất cả cho đều, nước chấm hơi sệt nhờ có cơm me.
Mỗi khi có dịp ông xã tụ tập bạn bè “lai rai” ở nhà, tôi lại trổ tài giã mắm me ăn với cá nục cuối mùa hấp lên hoặc chấm với các loại cá khô. Tôi luôn tự hào khoe “mắm được giã từ me của bà ngoại bé Na gửi từ trên quê xuống”. Vậy mà ai cũng thích và lần nào cũng được yêu cầu làm món “mắm me”. Tôi thấy hãnh diện về cái món “mắm me” mà mẹ tôi đã dạy, ngon hơn bất kỳ loại mắm nào mua ở chợ bởi chén “mắm me” còn chứa đầy tình yêu thương và sự khổ công của mẹ tôi nơi quê nhà./.
Bạn hãy đăng ký hoặc đăng nhập để có thể bình luận cho chủ đề này nhé.